Ngày 15/11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số”. Hội thảo nhận được sự quan tâm tham gia của hơn 200 nhà quản lý, nhà khoa học.
(Nguồn hou.edu.vn: https://hou.edu.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-thao-quoc-te-voi-chu-de-nghien-cuu-va-giang-day-ngon-ngu-trung-quoc-trong-boi-canh-chuyen-doi-so/)
TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng gửi lời cảm ơn các nhà khoa học, các quý vị đại biểu đã dành thời gian quý báu, tích cực viết bài, thẩm định, tham gia, chia sẻ ý kiến thảo luận tại Hội thảo, đồng thời cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ Trung Quốc, đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ. Đồng thời, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển đã tạo ra nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ Trung Quốc. Là một cơ sở giáo dục đại học với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người”, Trường Đại học Mở Hà Nội nhận thức rõ vai trò là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số vào quá trình đào tạo. Đồng thời, Trường đại học Mở Hà Nội cũng là nơi quy tụ đội ngũ các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc. Vì vậy, Hội thảo quốc tế này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng dạy và học Ngôn ngữ Trung Quốc trong kỷ nguyên số.
“Trong nhiều năm qua, Khoa Tiếng Trung Quốc của Trường Đại học Mở Hà Nội đã không ngừng phát triển và khẳng định vị thế là một trong những đơn vị đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc uy tín tại Việt Nam. Với triết lý “Mở”: Mở cơ hội, Mở trái tim, Mở trí tuệ, Mở tầm nhìn, Mở tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường hợp tác quốc tế, và đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy ngôn ngữ. Việc tổ chức Hội thảo quốc tế này là minh chứng cho những nỗ lực đó của Nhà trường. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy tiếng Trung Quốc, tôi tin tưởng rằng Hội thảo sẽ là một diễn đàn học thuật bổ ích, mang lại nhiều ý tưởng và giải pháp thiết thực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo ngôn ngữ Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số”, TS Nguyễn Minh Phương tin tưởng.
TS.Trần Thị Ánh Nguyệt - Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội
Bà YANG LIHONG - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Vân Nam, Trung Quốc
Bà HUANG AIPING - Khoa Giáo dục Quốc tế, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam, Trung Quốc
Bà GUO TING - Khoa Giáo dục Quốc tế, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Nam, Trung Quốc
ThS. HUANG HEMENG - Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội
TS. Nguyễn Đại Cồ Việt - Khoa Tiếng Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày các nội dung: (1) Hợp tác quốc tế trong đào tạo ngôn ngữ Trung quốc: Nghiên cứu đường hướng đào tạo nguồn nhân lực phức hợp quốc tế “Tiếng Trung + Kỹ năng nghề” tại các nước thành viên Hợp tác Lan Thương – Mê Kông; Từ việc mở môn học hướng Trung Quốc Học tới chuyên ngành Trung Quốc Học: điều tra hiện trạng và phân tích môn học hướng Trung Quốc Học tại các trường đại học ở miền Bắc Việt Nam; Nghiên cứu hiệu quả và các yếu tố ảnh hưởng đến giảng dạy thơ cổ điển Trung Quốc cho sinh viên quốc tế trong bối cảnh công nghệ số hiện đại.
(2) Ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc: Nghiên cứu thực tiễn giảng dạy thành ngữ dưới sự hỗ trợ của công nghệ số – dựa trên triết lý giảng dạy “động cơ biểu đạt”; Phân tích hiệu quả sử dụng video trong giảng dạy học phần Hán ngữ cổ đại; Giảng dạy dịch thuật trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hình ảnh các đại biểu thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo
Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá được những nội dung trọng tâm liên quan đến các vấn đề: Lý thuyết và thực tiễn trong nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc; Đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong đào tạo ngôn ngữ Trung Quốc; Phát triển chương trình, phương tiện giảng dạy, học liệu và học liệu số phục vụ đào tạo ngành ngôn ngữ Trung Quốc; Hợp tác quốc tế trong đào tạo ngôn ngữ Trung Quốc.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo
Kết luận Hội thảo, TS Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết và đi sâu vào các vấn đề đặt ra tại Hội thảo. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu đến từ trong và ngoài nước, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan, Ban tổ chức hội thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất, khuyến nghị các giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao tương tác với người học và ứng dụng công nghệ thông tin để cải tiếng chất lượng đào tạo ngôn ngữ Trung Quốc, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời mở rộng mối quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong nước và quốc tế, tăng cường sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ sở đào tạo, nha khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên về giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc theo xu hướng chuyển đổi số trong thời gian tới.