GD&TĐ - Là người dân tộc Nùng, quê huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), Đàm Thanh Nhàn quyết tâm học tập để thay đổi cuộc đời, vươn lên thoát nghèo.
Sinh viên Đàm Thanh Nhàn hoà nhập vào môi trường học tập, được bạn bè, thầy cô yêu quý.
Đàm Thanh Nhàn hiện là sinh viên sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội. Vốn là học sinh thiên về khoa học tự nhiên, Thanh Nhàn từng mong muốn, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ được làm việc trong lĩnh vực kinh tế.
Tuy nhiên, ngay trước ngày đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học, Thanh Nhàn lại dứt khoát lựa chọn ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Nhàn có niềm tin vào cơ hội nghề nghiệp mà ngành này mang đến trong tương lai.
Đối với Nhàn, việc quyết định theo học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Trường ĐH Mở Hà Nội là quyết định vô cùng “liều lĩnh”; bởi trước đó, em chỉ thấy tiếng Trung Quốc khá thú vị. Thi thoảng cũng thích nghe nhạc và xem phim Trung Quốc. Song Nhàn chưa bao giờ có ý định sẽ theo học chuyên sâu lĩnh vực này.
Chính vì thế không giống các bạn khác có định hướng sớm, Nhàn bước chân vào trường đại học với “con số 0” - không biết một chữ tiếng Trung nào. Nhàn nhớ lại, buổi gặp gỡ đầu khoá tại khoa, em được gặp rất nhiều thầy cô giỏi, hầu hết là các tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo “chính ngạch “tại các trường đại học uy tín của Trung Quốc.
Đàm Thanh Nhàn học mọi lúc, mọi nơi
Em cũng được gặp các anh chị cựu sinh viên thành đạt, có người là CEO của doanh nghiệp lớn, người thì làm tiếp viên hàng không, phiên dịch viên, cô giáo, hay cũng có những anh chị đang chuẩn bị sang Trung Quốc học Thạc sĩ, Tiến sĩ... Em thấy ai cũng giỏi giang, năng động và tự tin khiến em không khỏi choáng ngợp và lo lắng.
Sau này khi vào học một thời gian, em được gặp gỡ nhiều hơn các anh chị cựu sinh viên thành đạt, được đi thực tập, kiến tập tại một số công ty danh tiếng. Lúc đó, em mới thấy được hết cơ hội việc làm “khủng” mà ngành Ngôn ngữ Trung Quốc mang lại.
Đàm Thanh Nhàn nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội cho sinh viên là người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc tiêu biểu năm học 2021 - 2022.
Hiện nay, Trung Quốc và nhóm các nước có sử dụng tiếng Hoa đang dẫn đầu trong làn sóng đầu tư vào Việt Nam. Lượng khách du lịch Trung Quốc hay các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển sâu rộng. Chính vì vậy, ngoài tiếng Anh, biết hoặc giỏi tiếng Trung Quốc chính là lợi thế rất lớn.
Chưa cần ra trường, chỉ cần giao tiếp tốt, các bạn hoàn toàn có thể nhận phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch part time cho những người trung quốc sang Việt Nam làm việc ngắn ngày. Công việc này lương vừa cao, vừa được rèn luyện kỹ năng nghe nói với chính người bản xứ.
“Em cũng nghe nhiều anh chị cựu sinh viên chia sẻ, ngay sau khi ra trường, các anh chị ấy đã có việc làm với mức lương đa dạng từ 12-15 triệu/ 1 tháng, 15-20 triệu/ 1 tháng; thậm chí có 1 số anh chị làm hướng dẫn viên du lịch thu nhập có thể 30 triệu/1 tháng. Những con số này càng làm em thấy hào hứng hơn bao giờ hết” - Nhàn hào hứng chia sẻ và khấp khởi niềm tin: Với đà này, cuộc sống chẳng mấy mà khấm khá, thoát nghèo.
Đàm Thanh Nhàn – Sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Nhìn thấy lợi ích mà ngành học này mang lại, Nhàn quyết tâm học thành thạo loại ngôn ngữ tượng hình “khó nhằn” này để có được tấm bằng loại giỏi sau khi ra trường. Nghĩ là làm, Nhàn lao vào học một cách hăng say. Ngoài học trên lớp, Nhàn có một sở thích là nghe tiếng Trung Quốc mọi lúc, mọi nơi: lúc ăn, lúc ngủ, lúc ngồi trên xe buýt, lúc dọn dẹp nhà cửa và bất cứ lúc nào có thời gian rảnh.
Thi thoảng việc luyện nói một mình trên đường khiến mọi người tưởng nhầm Nhàn là người Trung Quốc, thay vì nói chuyện với Nhàn thì họ dùng tay để ra ám hiệu vì sợ cô không biết tiếng Việt.
Với những nỗ lực và cố gắng không ngừng, kỳ học vừa rồi, Nhàn đạt thành tích học tập xuất sắc với điểm trung bình là 3,73 (thang điểm 4) và vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho sinh viên xuất sắc tiêu biểu là người dân tộc thiểu số năm học 2021 - 2022. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực và phấn đấu không ngừng của Thanh Nhàn trong thời gian vừa qua
Thanh Nhàn tâm sự: “Học ngôn ngữ Trung khá khó, đặc biệt là chữ Hán nên đôi khi em cũng nản lòng. Nhiều lúc em sợ bản thân mình cố chấp, chọn sai hướng đi cho tương lai, sợ học không tốt sẽ phụ sự kỳ vọng của bố mẹ. Lúc nào cũng lo lắng rằng không biết sau này ra trường mình có đủ năng lực để làm việc trong lĩnh vực này hay không,,,
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, em hoàn toàn tự tin vào những gì mình đã chọn và sẽ không ngừng cố gắng, để một ngày nào đó em cũng là một cựu sinh viên thành đạt, được đứng trên sân khấu của buổi gặp mặt đầu khoá. Khi đó, em sẽ kể cho các bạn tân sinh viên nghe về những điều thú vị mà mình đã trải qua khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Trong thời gian sắp tới, Thanh Nhàn mong muốn có thể nâng cao nhiều kỹ năng mềm cho bản thân như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tin học văn phòng,.. hoặc học thêm các chứng chỉ về kế toán và xuất nhập khẩu. Em sẵn sàng đón nhận tất cả các cơ hội nghề nghiệp trong thời gian sắp tới. Nhàn cũng mong muốn giành được học bổng du học để tìm hiểu sâu hơn nữa về ngành học, học hỏi thêm những tri thức mới mẻ, tiến bộ để phục vụ cho đất nước sau này.
Nguồn: giaoducthoidai.vn