TỌA ĐÀM KHOA HỌC “GIẢNG DẠY BIÊN PHIÊN DỊCH TRONG THỜI ĐẠI 4.0: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC”

29/05/2024

Ngày 10/5/2024, Tại Hội trường A2- Trường Đại học Mở Hà Nội, Khoa Tiếng Trung Quốc đã tổ chức thành công Tọa đàm khoa học “Giảng dạy biên phiên dịch trong thời đại 4.0: cơ hội và thách thức”.

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả khách mời trong và ngoài trường: TS. Nguyễn Văn Vinh (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội), TS. Lê Hoài Ân (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Đại Cồ Việt (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), …

Về phía Trường Đại học Mở Hà Nội có TS. Nguyễn Minh Phương – Phó Hiệu trưởng nhà trường, nguyên Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc; TS. Trần Thị Ánh Nguyệt- Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc; TS. Phạm Thị Chuẩn - Phó Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc; …. cùng toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên năm thứ ba Khoa Tiếng Trung Quốc.

TS. Trần Thị Ánh Nguyệt- Trưởng Khoa phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng Khoa Tiếng Trung Quốc đánh giá: Toạ đàm “Giảng dạy biên phiên dịch trong thời đại 4.0: cơ hội và thách thức” là diễn đàn dành cho các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên và những người quan tâm trao đổi học thuật, chia sẻ những khó khăn và cơ hội trong đào tạo chuyên ngành biên phiên dịch thời đại 4.0, qua đó đề ra những giải pháp trong đổi mới cách thức, phương pháp giảng dạy, sự tương tác với người học trong thực tiễn giảng dạy nhằm đảm bảo được chất lượng của chương trình đào tạo và nâng cao hiệu quả năng lực của người học. Thông qua buổi Toạ đàm sẽ giúp các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, chuyên gia, giảng viên Khoa Tiếng Trung Quốc trao đổi các thông tin khoa học cập nhật, đổi mới nội dung nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phục vụ giảng dạy và đào tạo các học phần chuyên ngành Biên phiên dịch theo chương trình đào tạo cải tiến ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, hướng tới những kiến nghị, đề xuất giải pháp hiệu quả về các hoạt động đánh giá học phần chuyên ngành Biên phiên dịch theo chuẩn đầu ra, góp phần phát triển chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc trong thời đại 4.0.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các diễn giả, báo cáo viên đã trình bày một số các tham luận:

ThS. Nguyễn Quốc Việt- Khoa Tiếng Trung Quốc báo cáo tham luận “Tổng quan về chương trình đào tạo cải tiến các môn chuyên ngành Biên – Phiên dịch tại Khoa Tiếng Trung Quốc - Trường Đại học Mở Hà Nội”

TS. Nguyễn Văn Vinh - Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội báo cáo tham luận “Hệ thống dịch tự động Trung-Lào-Khmer-Việt”

TS. Lê Hoài Ân - Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội báo cáo tham luận “Trường phái dịch chức năng Đức và hướng ứng dụng

TS. Nguyễn Đại Cồ Việt - Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội báo cáo tham luận “Thiết kế đề thi môn Biên dịch – Giảng dạy biên dịch trong thời đại trí tuệ nhân tạo”

Các bài tham luận đều có sự tham gia thảo luận, phân tích, đánh giá dựa trên quy định, văn bản về kiểm tra đánh giá và từ kinh nghiệm thực tế của các diễn giả với trình độ chuyên môn cao. Các báo cáo đều có những góc nhìn mới, áp dụng những phương pháp nghiên cứu hiện đại, trên cơ sở đó đưa ra các kết luận có giá trị cao, phù hợp với hướng phát triển khoa học của Khoa Tiếng Trung Quốc.

Buổi tọa đàm ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, nhận xét đầy trách nhiệm trong việc tổ chức cách thức thực hiện, triển khai đo lường và đánh giá mức độ người học chuyên ngành Biên phiên dịch, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi góp ý của các giảng viên, các nhà nghiên cứu góp phần giúp Khoa Tiếng Trung Quốc nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu người học trong thời đại 4.0.

Phát biểu kết luận, TS. Trần Thị Ánh Nguyệt – Trưởng khoa gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên đã dành thời gian đến dự và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu, bổ ích. Đây sẽ là cơ sở giúp cho Khoa Tiếng Trung Quốc tham khảo trong quá trình giảng dạy, cải tiến phương pháp phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra của Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Trường Đại học Mở Hà Nội trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Toạ đàm:

Số lượt xem : 368
Tin liên quan
Xem thêm :
Học bổng Nghiên cứu
Cổng thông tin tuyển sinh Trường Đại học Mở HN Trường Đại học Mở Hà Nội